Tin Gia Sư Toàn Tâm
Trung Tâm Gia Sư (07/10/2019)
Gia Sư Toàn Tâm Hàng năm cứ sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh lại đôn đáo lo thi tuyển vào đại học. Ngành nào đây? Trường nào đây? Bao nhiêu câu hỏi bấy nhiêu âu lo cho bước kế tiếp trên đường học vấn.
Thế nhưng có mấy ai thực sự hiểu rõ mình muốn học tiếp tục để làm gì? Trung tam gia su Có thể có nhiều lý do: bạn trẻ tự mình cảm thấy phải học tiếp để chứng tỏ mình thật sự có tài hay lấy bằng cấp để dễ có việc làm. Có bạn cố vào đại học để cha mẹ vừa lòng. Có bạn tha thiết muốn học lên cao hơn nữa vì muốn thực hiện mơ ước của mình có một nghề sở thích…
Mỗi người chúng ta đều có một sự nghiệp để nghĩ đến, có một tương lai để vun vén, có nhiều đối tượng để phụng sự, có nhiều việc hữu ích cần phải làm. Chúng ta cần có những bản đồ chỉ dẫn sáng suốt. Chúng ta cần định hướng đúng. Chúng ta cần một lộ trình sáng lạn. Như thế ngay từ bây giờ chúng ta cần xác định mục tiêu của cuộc đời mình một cách hợp lý nhất.
Mục tiêu cuộc đời của mỗi người chúng ta là gì?
Đó là cái đích mà chúng ta muốn vươn đến, hay muốn đạt được. Xác định mục tiêu là một việc làm dũng cảm, vì ta phải tập trung suy nghĩ đến một tiêu điểm đặc biệt nhất, và phải sáng suốt sàng lọc những gì quan trọng và những gì hợp với lý tưởng đời mình.
Mục tiêu không phải là những pho tượng bất di bất dịch, mà rất năng động, phải được cải tiến không ngường theo trình độ ngày càng cao của bạn.
Tại sao cần xác định mục tiêu cuộc đời?
Khi bạn quyết tâm xác định mục tiêu cuộc đời tức là bạn đã làm chủ được mình. Bạn tự tạo cho mình một ý nghĩa và một lý tưởng sống, một tiêu điểm cần đạt. Khi tập trung năng lực và tư tưởng vào mục tiêu của mình, tự khắc bạn sẽ biết sử dụng thời gian cuộc sống của mình một cách hữu ích, và cũng nhờ thế bạn chắc chắn sẽ thành đạt nhiều hơn.
Các nhà tâm lý học nghiên cứu thấy rằng việc xác định mục tiêu cuộc sống luôn luôn có tác dụng nâng cao hiệu suất công việc trong mọi mặt của cuộc đời mỗi người. Vì một khi đã xác định được mục tiêu cuộc đời, bạn có thể tự tin, vượt qua mọi sợ sệt, khó khăn trở ngại, luôn nghĩ đến thành công để thật sự tiến đến thành công.
Càng xác định rõ mục tiêu, bạn sẽ thấy động cơ thúc đẩy của bạn sẽ càng tăng cao để đạt đến đích.
Mục tiêu phải như thế nào?
Mục tiêu đã được xác định cần mang những tính chất sau đây:
*Lâu dài – để bạn có một tầm nhìn xa suốt cuộc đời mình.
*Ngắn hạn – để bạn có động cơ thúc đẩy hoạt động hàng ngày.
*Thực tế - có thể đạt được và đầy thách thức – để bạn không với quá xa tầm khả năng của mình nhưng cũng không đến nỗi quá dễ dãi với mình.
*Linh động – để bạn có thể điều chỉnh kịp thời khi trình độ mình cao hơn, khi vị trí những ưu tiên thay đổi, và khi có những cơ hội tốt hơn.
*Chính xác và đo đếm được – phải biết rõ mình muốn làm gì, đạt được bao nhiêu và lúc nào.
*Thực sự của riêng mình – không phải của một ai khác, vì nó phải thích hợp với cuộc sống và lý tưởng của mình. Không nên chạy theo thị hiếu xã hội.
*Hướng đến thành đạt – gồm những công trình ý nghĩa mà mình muốn đạt được.
Mục tiêu lâu dài của bạn sẽ hướng vào đâu?
Trước hết, hãy nghĩ đến những nguyên tắc sống của mình và những gì mà mình quý trọng nhất. Có thể ví mục tiêu của cuộc đời bạn là một cái thang, cái thang đó phải được dựng vào đúng bức tường. Những “bức tường” của cuộc đời để bạn có thể chọn lựa có thể là: một nhà sáng tác, nghệ sĩ, một nhà khoa học chuyên nghiệp, một người dạy học, một người nội trợ gia đình, một nhà hoạt động xã hội, một vận động viên thể thao, một công chức v.v…
Căn cứ vào quá trình học tập và đời sống ở bậc trung học, các bạn có thể quyết định cụ thể mình thích làm những gì khi tốt nghiệp trung học, xếp những ưu tiên đó theo thứ tự từ cao nhất đến thấp nhất. Năng khiếu của bạn sẽ là kim chỉ nam chính xác nhất giúp bạn chọn hướng đi tương lai. Nhưng đồng thời bạn cũng nên cùng phụ huynh mình tham khảo thực tế những yêu cầu phát triển của đất nước ta để từ đó thấy được đất nước đang cần những nhân lực ngành nghề nào mà mình có thể tham gia, từ đó mới so với những ưu tiên của mình muốn đạt mà có quyết định cuối cùng.
Chọn ngành học
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn, người đã can đảm chọn đúng mục tiêu đời mình. Rất có thể bạn thích học tiếp lên đại học, hay học tại một trường trung cấp hay cao đẳng chuyên nghiệp nào đó. Ở nhiều nước trên thế giới, thanh niên rất thích học ở các trường cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp vì khi ra trường là họ đi làm việc được ngay, thu nhập cao. Trong khi đó ở Việt Nam hầu như ai cũng đua nhau vào đại học, còn cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp chỉ là ưu tiên thứ cấp khi không trúng tuyển đại học.
Chọn trường học
Việc chọn trường để học đối với sinh viên Việt Nam là một vấn đề khó khăn nhất vì không phải mình thích ngành nào cũng có trường cho mình học. Và vì số người muốn học vượt xa tổng số ghế của các trường nhập lại, nên chúng ta phải thi tuyển rất gay go để giành một chỗ ngồi trong nhà trường. Nhiều thí sinh phải dự thi hai hoặc ba trường may ra trúng vào được một trường. Tuy nhiên trong hai, ba trường đó, các bạn cũng có thể lưu ý chọn trường nào có ngành học ưng ý mình nhất, có phương tiện thể dục thể thao, văn nghệ, và có những chương trình đào tạo ngoại khóa giúp cho sinh viên mau giỏi (như dạy tiếng Anh và dạy tin học miễn phí…, có nối mạng Internet, có thư viện điện tử kết hợp thư viện phong phú tài liệu in, có phòng thực tập trang bị tối thiểu). Và một yếu tố không kém quan trọng là phải liệu sức mình có chọi nổi với những người khác cùng thi vào các trường đó hay không!
Sau cùng, nếu rủi bạn không vào được trường học sở thích của mình thì cũng không nên thất vọng, nhất là đối với các bạn muốn học để nâng cao tri thức, kỹ năng mà không nhất thiết phải có bằng cấp. Trường học lớn nhất và có nhiều thầy giỏi nhất là Internet. Trên mạng Internet có trên 50.000 trường học của các nước. các bạn có thể thu nhận kiến thức gần như bất kỳ môn học nào mình muốn. Điều kiện: biết rành một ngoại ngữ (tốt nhất là tiếng Anh), biết sử dụng máy vi tính và chương trình truy cập Internet.
Tóm lại
Sau khi rời ghế trung học phổ thông, cả một chân trời tương lai đang hiện ra trước mắt các bạn. Cơ hội để nâng cao tri thức, kỹ năng của một thanh niên chúng ta chưa bao giờ nhiều như bây giờ. Nguồn tư liệu để chúng ta học tại trường, hoặc học qua mạng Internet ngày càng phong phú hơn.
Bạn sẽ không bao giờ thất vọng với việc học nếu bạn đã xác định được mục tiêu của mình học cái gì và học để làm gì.
GS. TS. Võ Tòng Xuân